Có thể sản xuất sắt thép từ bùn đỏ tây nguyên

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/5 liên quan đến hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ sáng 17/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, bùn đỏ, chất thải trong quá trình sản xuất alumin đang được các nhà khoa học Việt Nam thí nghiệm sản xuất sắt thép, có thể đạt tiêu chuẩn Nhật Bản.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định hai dự án đã được thực hiện theo đúng chủ trương đã đề ra. Đến nay hai dự này có tác dụng lan tỏa bước đầu, dù chưa nâng mức công suất khai thác nhưng đã đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của 2 tỉnh nói riêng và của Tây Nguyên nói chung.

Báo cáo thêm về hiệu quả của hai dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng đã khiến thị trường tiêu thụ alumin cũng khó khăn hơn. Nhưng Chính phủ đã đánh giá hiệu quả dự án trên tư tưởng bảo thủ nhất, đánh giá trên dự báo xấu nhất thì thấy các dự án vẫn có hiệu quả.

“So với thời điểm Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành kiểm tra, đến nay giá alumin đã cao hơn nên hiệu quả dự án cũng tốt hơn”, Phó Thủ tướng cho biết và thông tin thêm, dự báo đến 2018 giá alumin thế giới khoảng 400 USD/tấn, bình quân đến năm 2020 là 450 USD. Vì vậy so với dự báo cũ là 341 USD/tấn thì tiềm năng bảo đảm an toàn hiệu quả dự án là có.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất với dự án này là môi trường. Những Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ tại Hungari, Chính phủ đã đưa ra tiêu chuẩn cao hơn trong thiết kế điều chỉnh cho dự án hồ bùn đỏ. Đến nay theo Đoàn giám sát của Quốc hội, các hồ này đã thừa tiêu chí về an toàn.

“Chính phủ còn quyết định dự phòng hồ chứa thứ 3 so với 2 hồ chưa hiện nay để tăng thêm dung lượng hồ chứa phòng khi có biến đổi khí hậu hoặc khi có mưa cực đoan’, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thủ tướng, đến nay chúng có thể làm chủ về công nghệ và không phải thuê người nước ngoài vận hành như với Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (phải thuê một công ty vận hành giai đoạn đầu, sau đó mới chuyển giao).

Đối với việc phát triển công nghiệp sản xuất nhôm từ alumin, Phó Thủ tướng cho biết, hiện có hai dự án được nghiên cứu thí điểm và Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế chính sách để đưa những dự án này vào hoạt động, để nâng cao hiệu quả của dây chuyền từ bauxite đến nhôm.

Một thông tin rất mới khác được Phó Thủ tướng cho biết là các nhà khoa học Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu để xử lý chuyển bùn đỏ từ sản phẩm nguy hại thành không nguy hại. Từ bùn đỏ, các nhà khoa học đã thí nghiệm sản xuất ra sắt thép theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và có thể sẽ được đưa vào sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ góp phần vừa làm tăng hiệu quả kinh tế các dự án bô xít, vừa giải quyết được ô nhiêm môi trường, lại vừa sản xuất được nguồn kim loại quý cho đất nước.

Báo cáo bổ sung về thí nghiệm này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, khác với các quốc gia khác, hàm lượng ôxít sắt trong bùn đỏ khô tại Lâm Đồng rất cao, từ 46-53%, tương đương với hàm lượng tổng sắt là 35,7%. Do đó, bùn đỏ khô của Lâm Đồng được coi là quặng sắt nghèo, có thể định hướng cho sản xuất gang và thép.

“Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam có trữ lượng đá vôi lớn, thành phần quan trọng trong chế biến gang và thép từ bùn đỏ. Hai yếu tố này hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho sản xuất gang thép từ bùn đỏ”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam và giao nhiệm vụ xem xét để sản xuất thép từ bùn đỏ. Sau khi nghiên cứu, Viện đã đề xuất 2 phương án, đó là: Công nghệ hàn nguyên trực tiếp trong lò hồ quang và Công nghệ thiêu kết kết hợp với nghiền và tuyển từ.

Phương án thứ nhất đã làm thử nghiệm các mẻ từ 1 tấn đến 10 tấn, hiệu suất thu hồi đạt 70% và đã ra được sắt. Tuy nhiên, khi đánh giá lại, công nghệ này tiêu tốn năng lượng lớn, giá thành cao và hiệu quả kinh tế không tốt.

Còn phương án 2 có ưu điểm là tốn ít năng lượng, có hiệu quả kinh tế và có thể triển khai quy mô công nghiệp. Theo phương án này, bùn đỏ từ dung dịch ướt, lỏng màu đỏ sẽ được ép thành bã khô.

“100 tấn bùn khô đã được vận chuyển từ Lâm Đồng ra Nhà máy luyện gang thép Thái Hưng tại Hưng Yên chế biến thử nghiệm. Hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ đã thực hiện được 40-50 tấn bùn đỏ khô và kết quả ra được sắt”, ông Tùng cho biết và khẳng định công nghệ đó chúng ta hoàn toàn làm chủ.

Theo tính toán của ông Tùng, nếu sử dụng 2,4 tấn bùn đỏ làm nguyên liệu với tổng chi phí khoảng 1,5 triệu đồng để xử lý, sẽ sản xuất ra 1 tấn quặng sắt. So với giá thành quặng sắt hiện là 1,9 triệu đồng/tấn, việc tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt chắc chắn sẽ có lãi. Từ quặng sắt tiếp tục làm ra sản phẩm gang và thép thì hiệu quả còn cao hơn nhiều.

“Như vậy, DN nào bắt tay vào làm chắc chắn sẽ có lãi. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta hoàn toàn xử lý được bùn đỏ, có thể hồ bùn đỏ sau này không cần nữa vì chúng ta đã xử lý ngay từ giai đoạn đầu, lúc bùn đỏ chảy ra từ Nhà máy. Như vậy vấn đề môi trường chúng ta giải quyết được và tạo ra được sản phẩm rất quý là quặng sắt”, ông Tùng nhấn mạnh.

Dương Công Chiến

Trả lời